Image may be NSFW.
Clik here to view.
Lúc chúng tôi đến, đám tang chị Bùi Thị Hoa mới chỉ qua có 4 ngày. Mẹ của chị – mệ Trần Thị Chắt, 75 tuổi – ngồi ở chiếc ghế nhựa đã bạc phếch vì nắng. Vòng khăn trắng trên đầu và giọt nước mắt mệ dượn ra ở một bên khiến chúng tôi không thể cầm lòng. Nhiều người trong chúng tôi lặng đi, tôi ngó ra cánh đồng. Nó rộng đến cô liêu, nó đẩy ngôi nhà của mệ Chắt và hai cô cháu gái ra tận rìa làng.
Đứa cháu lớn tên là Bùi Thị Diệu Ly, sinh năm 2006, ngồi lặng lẽ đưa chiếc kim khâu lại vạt áo. Đứa nhỏ tên Bùi Thị Phương Trinh, sinh năm 2009, được người cậu ruột đón từ trại trẻ mồ côi thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) về. Hôm ấy là chủ nhật, ngày 27.9.
Cái ngày mà chúng tôi – những thành viên trong Câu lạc bộ Ươm nắng – lặng lẽ đến thăm, rồi lặng lẽ ra về. Có lẽ, trong số chúng tôi, mỗi người có một nỗi đau riêng đối với thân phận con người nhưng chúng tôi không thể cất lên thành tiếng. Trời đã sang thu, nhưng cái nắng của đất trời Quảng Trị vẫn gay gắt từng hồi. Tôi thầm nghĩ, ở đâu có ánh sáng là ở đó có hạnh phúc. Nhưng không phải ở đâu cũng thế, mọi hoàn cảnh đều như thế. Hôm nay nhìn giọt nắng, lòng lại dấy lên niềm đau.
Người đàn bà tâm thần
Ông Bùi Thanh Nghĩa – Trưởng thôn Trúc Kinh, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị – đón chúng tôi ở đầu đường. Giữa cánh đồng xong mùa gặt, lóc cóc tiếng mỏ trâu, cánh cò tung bay giữa trời cao gió lộng. Điều ấy dường như không có ý nghĩa lắm đối với ba con người trong một ngôi nhà. Diệu Ly bị câm điếc từ nhỏ, đã tròn 9 tuổi nhưng nhìn em chúng tôi chỉ có thể nghĩ đó là đứa bé mới lên 4, lên 5.
Bên đống chăn cũ, chiếc chiếu cũ và quần áo cũ, Diệu Ly xâu chỉ khâu từng mũi kim, tôi nhận thấy đó là chiếc áo học trò của Phương Trinh. Khâu xong chiếc áo cho em, Diệu Ly ngước mắt nhìn lên và phát hiện nhà có khách, em vội vơ lấy chiếc áo thun cũ mèm vắt lên cổ, thả trùm nửa người. Sau đó, em khâu chiếc áo thun khác để mặc. Chợt thấy xót, đứa bé nhỏ nhoi, tật nguyền lại đi làm công việc của một người mẹ.
Ông Nghĩa xót xa, trong chất giọng trầm đục của một người nông dân chân lấm tay bùn, ông tâm sự với chúng tôi về mẹ của các cháu: “Chị Bùi Thị Hoa bị bệnh tâm thần lâu ni, cứ đi lang thang rồi đẻ hai đứa bé. Mấy lần đẻ, mệ Chắt đều nuôi dưỡng, cảnh mẹ già nuôi con đẻ cảm thấy chua xót vô cùng. Thời gian chị Hoa bị ung thư trực tràng, mệ Chắt càng thêm vất vả. Chị Hoa mất cách đây 3 ngày, bị tai nạn giao thông. Chị bị tàu cán…”.
Lặng đi một lúc, ông Nghĩa ngồi trầm tư, trước hoàn cảnh quá éo le của láng giềng, ông Nghĩa cũng có nhiều trăn trở: “Chừ nỏ biết mần răng tề, cháu Ly tật nguyền, cháu Trinh còn nhỏ, mệ Chắt đã già lại bị tai biến liệt một chân một tay, chế độ chưa có chi hết, tui đang hỏi thủ tục để làm giấy tờ cho Ly vô trường khuyết tật, còn Trinh đi trung tâm bảo trợ xã hội. Tội cho mấy đứa quá, nỏ có cha, mạ không còn, mệ bị tai biến. Ba con người trong căn nhà ni sống bằng 540.000 đồng/ tháng từ nguồn trợ cấp của cháu Ly…”.
Con đường về thôn Trúc Kinh đầy ắp cỏ mần trầu. Những búi cỏ thời thơ ấu chúng tôi hay chơi trò đá gà mọc men theo từng đám ruộng, chúng tràn lên đường chỉ để vừa bước chân len qua. Đó là những cây cỏ hạnh phúc của tuổi thơ, vì với nó chúng tôi có thể làm đủ trò: Bông cỏ tươi làm gà chọi, búi cỏ khô làm tổ chim, cây dài hơn chút làm mái tranh lợp nhà… – toàn là những trò chơi tạo nên tình yêu và mái ấm. Giờ nhìn cỏ mần trầu ở Trúc Kinh, chợt dấy lên niềm xót xa. Chúng hoang hóa, bơ vơ, bầm dập dưới bước chân người.
Chỉ cách thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có 6km và cách đường quốc lộ 1A 1,5km, thôn Trúc Kinh nằm giữa cánh đồng lúa. Đời sống bà con chỉ nhờ vào hạt lúa giữa ruộng đồng. 75 tuổi, mệ Trần Thị Chắt vẫn thân cò lặn lội. Chút sinh lực ngày càng dần cạn để nuôi đứa con gái hai lần chửa đẻ và 2 đứa cháu gái đứa lên 7, đứa lên 9. “Cha hắn mất tích rồi” – đó là câu nói của mệ Chắt khi nhìn 2 đứa cháu gái. Chúng tôi không hỏi hay nói đúng hơn là chúng tôi không thể nói gì thêm. Ở trong căn nhà này, nỗi buồn đã quá thừa thãi.
Bát hương vẫn còn đang cháy, tấm ảnh của chị Hoa vẫn đặt ở giữa bàn. Cũng đông người mà chợt dưng có khoảng trống mênh mông. Tôi nhìn qua một lượt, nhìn những thành viên trong Câu lạc bộ Ươm nắng. Này Hà Phương, này Tuyết Thanh, này Trinh, này Huy, này Hoa Hồng Vàng, này Ken, này Xíu, các em… nói gì đi chứ…. Sự lặng im vẫn tiếp tục cho đến khi Ken đưa tay mân mê làn da nhăn nheo trên tay mệ Chắt: “Mệ ơi! Chúng cháu có ít bánh trái, ít tiền và gạo biếu mệ và hai em…”.
Cũng là thân phận người nhưng sao cái khó khăn cứ bám riết lấy họ. Ngôi nhà ngói cũ rơ cũ rích, những viên ngói mục và lá chuối sà sà cạ lên kêu kèn kẹt từng hồi. Những đứa trẻ chưa hề thấy mặt cha nhìn những người đàn ông như chúng tôi lơ láo. Diệu Ly đã đặt mũi kim xuống, khoác lên mình chiếc áo mới hơn rồi lặng lẽ đứng bên cạnh mệ Chắt. Bé Phương Trinh từ thành phố về bướng bỉnh không chịu nhận gói quà chúng tôi trao tặng. Cách chưa đầy mười phút chạy xe mà gần 10 năm chúng tôi mới biết tới ngôi nhà này, mới thấy được và thấu hiểu chút khổ đau, bất hạnh trong đời sống của họ.
Chợt tôi có ý định chụp bức ảnh của chị Hoa trên bàn thờ đầy hương khói, để khi bức ảnh được đăng lên, những người đàn ông từng ăn nằm với chị biết được sự biến mất của một người đàn bà và sự ra đời của hai đứa trẻ chưa từng thấy mặt cha. Tôi đưa máy ảnh lên và xem trong ống kính. Đôi mắt chị Hoa buồn da diết, nó khốc liệt tới mức khiến nỗi đau quằn lên. Người đàn bà ấy mới chỉ đi quá nửa đời người, mái tóc chị còn xanh, xanh lắm!
Ngày mai, cháu phải lên thành phố!
Bé Phương Trinh, 7 tuổi, có đôi mắt đen láy, hàng mi cong và đôi lông mày cánh phượng. Nhận chiếc bánh chocolat từ tay Hoa Hồng Vàng, cô bé đưa cho mệ Chắt. Người đàn bà miệng móm mém nước mắt trào dâng xoa lên đầu đứa nhỏ. “Ngày mai, cháu phải lên thành phố rồi. Và sau đó, bé Diệu Ly cũng vô trường khuyết tật”, mệ Chắt ngậm ngùi. Chúng tôi chợt nhận ra giây phút chia ly của những con người trong mái nhà này. Qua buổi sáng nay, đến bữa cơm chiều và một giấc ngủ, mệ Chắt phải xa Diệu Ly và Phương Trinh.
Ông Bùi Thanh Nghĩa nói với chúng tôi: “Tôi gởi nhờ các cháu vô trường sau đó hoàn tất thủ tục, mệ Chắt cũng không tự chăm sóc cho mình nên phải cậy đứa con trai và con dâu đi làm công nhân tận Sài Gòn về nuôi dưỡng. Mệ rất thương hai đứa nhỏ, mệ đã đặt tên cho hai đứa, hai đứa có hai cái tên đẹp thiệt. Tên đẹp chi mà cực dữ rứa không biết, tôi không nghĩ là có cuộc chia tay như rứa…”.
Và chúng tôi cũng không nghĩ có cuộc chia tay như thế. Sự chia tay của người con gái khi nằm xuống ba tấc đất với người mẹ già 75 tuổi để sau đó qua cơn đau mẹ bị tai biến. Ngày mai, hai đứa cháu phải chia tay bà để lên thành phố. Không biết tụi nhỏ có cách gói ghém ký ức của riêng mình chưa? Và ngày mai đây, khi mấy đứa quay trở về, có còn mệ Chắt trong ngôi nhà đó?
Ông Nghĩa chỉ cho chúng tôi thấy ngôi nhà dở dang bên cạnh “ban ngành đoàn thể ủng hộ cho mệ 20 triệu đồng để cất nhà phòng khi mưa bão, nhà làm mới có được chừng đó thôi…”. Ngôi nhà còn chưa hoàn thiện, mái vẫn trống trơ bên cạnh ngôi nhà cũ đã rạn nứt và oằn lên khi gỗ không còn gánh nổi những tấm ngói quá lâu năm trữ đủ nước và rong rêu bám vào. Mệ Chắt lại khóc trước mong muốn vượt quá tầm với của mình: “Ước chi tui còn sức, tui gắng để nuôi hai đứa cháu. Ngày mai, hai đứa hắn đi rồi, tui cũng không biết phải sống răng đây…”.
Câu nói của người dân Quảng Trị “không biết phải sống răng đây” là điều không lượng được với sức của con người, là sự thiếu trước hụt sau không chỉ về vật chất mà còn về tình cảm. Đôi lúc, tình yêu làm con người ta đau đến thế. Xung quanh chúng ta còn có quá nhiều thân phận người, họ sống lắt lay, cảnh lầm than, đời bất hạnh, người trái ngang, cách trở. Những thân phận người sống chỉ để thở cho hết hơi trong lồng ngực.
Tôi đã không khóc trong ngôi nhà ấy, mặc dù lòng rất đau. Vì giọt nước mắt tôi chỉ thêm niềm đau trên đời họ, những cái “cây thân phận” đã quằn xuống chực gãy. Trước khi chia tay họ, tôi đã cố ngước cổ lên và nói chuyện thật to, tôi hỏi những câu bâng quơ về mùa màng, về cánh đồng, con mương. Về ngôi chùa nằm cách ngôi nhà của mệ Chắt không xa với tiếng chuông thả ra quá đỗi thanh bình. Cũng phải, đó là một thế giới khác!